Bản chất thật và hậu quả của phủ sứ tại Spa



Bản chất của công nghệ “phủ sứ nano” tại các spa thẩm mĩ

Nguyễn LiênCập nhật 13:08 ngày 27/07/2018

Răng được phủ sứ nano.
 

 Công nghệ làm đẹp răng mang tên “phủ sứ nano” hay “phủ trắng răng nano” thực chất là công nghệ đã lỗi thời hàng chục năm trước và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng.

Công nghệ "mới" nhưng thực chất không mới

Theo các chuyên gia nha khoa, bản chất của công nghệ "phủ sứ nano" thật ra chỉ là kỹ thuật trám răng bằng composite - một loại vật liệu trám răng gốc nhựa (resin) có màu sắc tương đối giống màu răng thật. Composite được sản xuất với nhiều tông màu từ rất sẫm đến rất sáng, để nha sĩ có thể lựa chọn phù hợp với màu răng bệnh nhân. Thông thường, nó được sử dụng để trám các răng sâu, răng sứt mẻ nhẹ. Compostie cũng có thể dùng đắp lên bề mặt răng, để làm thay đổi hình dạng và màu sắc răng.

Bản chất của công nghệ “phủ sứ nano” tại các spa thẩm mĩ - Ảnh 1.

Răng trước và khi được "phủ sứ nano" tại các spa thẩm mĩ.

Những nguy cơ tiềm ẩn từ "công nghệ" đội lốt

Thực tế, hầu hết các spa thẩm mỹ thường không có đủ trang thiết bị chuyên dụng trong nha khoa. Người thực hiện kỹ thuật cũng không được đào tạo chuyên ngành nha khoa. Do vậy, khách hàng sử dụng các dịch vụ làm đẹp răng tại các spa, thẩm mỹ viện sẽ phải đối mặt với khá nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Quy trình thực hiện kỹ thuật này thật ra không hề đơn giản, nhưng tại không ít spa, do không có trang thiết bị chuyên dùng trong nha khoa cũng như không có kiến thức chuyên môn nên quy trình thực tế đã bị rút gọn đến mức tối đa. Họ chỉ đơn giản đắp một lớp composite có màu sáng lên bề mặt răng, tạo hình theo hình dạng chiếc răng và chiếu đèn quang trùng hợp cho cứng lại.

Hầu hết các bệnh nhân "phủ trắng nano" tại spa đều bị viêm lợi và hôi miệng. Nguyên nhân là do khi đắp composite phủ kín bề mặt răng, các spa thường để composite đè lên lợi gây tích tụ mảng bám vi khuẩn tại viền lợi, dẫn đến bệnh viêm lợi, viêm nha chu, chảy máu lợi và hôi miệng.

Đặc biệt, khi "phủ nano", các spa thường phủ kín luôn các kẽ răng. Thức ăn chui vào kẽ răng không thể lấy ra được cũng dẫn đến hôi miệng, nếu để lâu thậm chí còn gây sâu răng.

 

Cùng với đó, "công nghệ" phủ sứ nano nói trên cũng có thể khiến nạn nhân mắc các bệnh truyền nhiễm do công tác vô trùng không đảm bảo, có spa thậm chí không sử dụng găng tay khi "phủ răng sứ nano" cho khách. Thẩm mĩ xấu do người thực hiện "phủ sứ" không am hiểu về hình thể răng hay khớp cắn bị sai lệch dẫn tới không ăn nhai được cũng là một trong những hậu quả có thể xảy đến khi trót tin tưởng loại dịch vụ này.

Đắp răng thẩm mĩ bằng composite là kỹ thuật khá phổ biến tại các nha khoa ở Việt Nam cách đây khoảng từ 10 đến 15 năm. Tuy nhiên, ngày nay còn rất ít nha khoa làm kỹ thuật này, do những nhược điểm như composite thường bị ngả màu sau một thời gian sử dụng; độ bền kém, dễ sứt mẻ; kết quả thẩm mỹ phụ thuộc nhiều vào tay nghề, óc thẩm mỹ của người thực hiện và đặc biệt là có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với bệnh nhân nếu không nắm chắc kĩ thuật.


Bài viết liên quan